Phát triển sân golf và bài toán nâng chất hay tăng số lượng cập nhật 10/2024
Thị trường sân golf đang phát triển nhưng làm sao để tận dụng được tiềm năng. Bảo đảm không phát triển các dự án sân golf nóng thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần học hỏi các nước để thị trường golf phát triển đúng bản chất và mang lại giá trị cao.
Thống kê từ R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation cho biết, Việt Nam có khoảng 100 sân golf đang hoạt động, trong đó có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Tình trang sân golf Việt Nam
Nếu như 10 năm trước, bộ môn golf vẫn là điều xa xỉ đối với người Việt Nam thì nay đã trở thành môn thể thao thời thượng và được không ít người tiếp cận. Nhiều gia đình có điều kiện còn cho trẻ em tiếp cận golf từ rất sớm. Theo R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation nếu như năm 2015, Việt Nam có 25.000 người chơi golf thì đến nay đã tăng lên khoảng 100.000 người. Các chuyên gia cũng dự báo lượng người chơi golf sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này không hẳn không có căn cứ bởi theo Knight Frank. Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN. Dự đoán đến 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt mức 31%. Tương đương khoảng 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD.
Thực tế, từ trước đến nay, Việt Nam luôn có tầng lớp thượng lưu giàu có. Tuy nhiên bên cạnh những gia đình khá giả cất giữ tài sản dưới dạng kim cương, vàng thì không ít người. Trong đó chủ yếu là các doanh nhân lại sẵn sàng chi khoảng 10-20% tổng tài sản để chơi những bộ môn thể thao xa xỉ, trong đó có chơi golf hoặc sở hữu bất động sản gắn liền với golf. Tức là, nếu một người có khối tài sản khoảng 100 tỷ đồng, họ sẽ bỏ ra 10-20 tỷ để đầu tư loại hình này vì chơi golf mang lại không ít giá trị.
Hiện nay, 70% doanh nhân, CEO ở Việt Nam đều lựa chọn golf là bộ môn thể thao giải trí, rèn luyện sức khỏe, thể hiện đẳng cấp cũng như tạo và giữ mối làm ăn với khách hàng.
Theo tiết lộ của một số người chơi golf, khách hàng có thể phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi buổi chơi từ chi phí thuê sân, tiền thuê phụ kiện, thuê người dạy…
Và điều này không có gì quá ngạc nhiên khi lâu nay golf vẫn được mệnh danh là môn thể thao cho nhà giàu. Hay bộ môn chỉ dành cho giới thượng lưu. Tuy nhiên, đối với các doanh nhân, CEO, giới quý tộc thì các chi phí này không phải là vấn đề quan tâm, mà điều họ hướng tới là chất lượng.
Đặc biệt, các sân golf ở Việt Nam nằm rải rác cả ở trong nội thành và ngoại thành nên tạo kiện thuận lợi, cho người chơi, nhất là rút ngắn khoảng cách về địa lý. Với mức sống tăng cao, dự báo thị trường golf cũng có nhiều dư địa phát triển vì theo khảo sát của Hiệp hội golf Việt Nam. Do ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa, người dân ở các thành phố lớn đều có nhu cầu chơi golf. Chỉ tính riêng vào những ngày cuối tuần, mỗi sân golf thu hút khoảng 200 người đến chơi.
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đang là nước có dân số đông thứ 15 trên thế giới. Đi liền với đó, các đường bay ngày càng đa dạng, chi phí cũng hợp lý nên dự báo số người chơi golf hay đến các khu nghỉ dưỡng có sân golf sẽ tiếp tục tăng.
Rủi ro phát triển sân golf ồ ạt
Tuy được dự báo là có nhiều dư địa phát triển nhưng theo các chuyên gia, so với thế giới, thị trường golf Việt vẫn còn nhiều thách thức. Điều đầu tiên là việc gắn kết giữa các doanh nghiệp đầu tư sân golf với các doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa chặt chẽ nên chưa thu hút được nhiều người, nhất là khách quốc tế đến chơi bộ môn này.
Thực tế, các sân golf hiện nay đang phục vụ đến 60% là người Việt. Trong khi lượng khách quốc tế, nhất là những người chơi golf trên thế giới với khối tài sản không hề nhỏ vẫn chưa “hạ cánh” tại Việt Nam.
Điều này đồng nghĩa với việc, các sân golf Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sân golf trong khu vực. Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam Lê Hùng Nam cho biết, nếu Việt Nam có khoảng 100 sân golf thì Indonesia đã có 152 sân golf, Malaysia 230 sân và cao hơn cả là Thái Lan với 300 sân. Không chỉ có số lượng sân nhiều hơn, các nước này cũng thu hút được nhiều khách quốc tế đến chơi golf hơn.
Cụ thể là Malaysia với 2% trên tổng 25 triệu lượt khách, Thái Lan thu hút 9% số khách đến du lịch trên tổng 35 triệu lượt khách. Trong khi tỷ lệ này của Việt Nam là rất thấp, chỉ chưa đến 1% trên tổng 15 triệu lượt khách.
Các nghiên cứu cho thấy, khách du lịch golf thường có mức chi tiêu nhiều gấp đôi so với khách du lịch thông thường và du lịch golf hiện đang xếp thứ ba về mức khuyến khích chi tiêu trong ngành du lịch tại châu Á.
Với khả năng chi tiêu và mong muốn trải nghiệm lớn, mỗi năm có khoảng 2 triệu golfer thường xuyên di chuyển và tới chơi ở các sân golf khác nhau cả trong nước và quốc tế nhằm thỏa mãn đam mê với thời gian lưu trú là 4-5 ngày hoặc lâu hơn là 2 tuần.
Từ đây có thể nhận thấy, ngoài khả năng chi tiêu cao, khách du lịch golf có tiềm năng để thu hút ngoại tệ bởi bên cạnh mức phí để chơi bộ môn thể thao này, họ còn chi trả tiền cho các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng đẳng cấp. Và nếu không tận dụng được tiềm năng này, thị trường golf trong nước khó có thể cạnh tranh và định vị được thương hiệu trong khu vực.
Ngoài vấn đề thu hút khách quốc tế, một điều đáng quan ngại hiện nay là việc phát triển số lượng sân đang gia tăng nhưng đi liền với đó, việc cấp phép xây dựng sân golf có bảo đảm chất lượng hay không cũng cần phải bàn.
Bởi đến nay, cả nước có khoảng 100 sân golf nhưng có nhiều sân golf lại được cấp phép xây dựng cả các địa phương không có thế mạnh về du lịch như Bắc Giang, Kon Tum, Tiền Giang…
Và dường như cuộc đua đầu tư sân golf có phần sôi động hơn kể từ khi khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành. Đi cùng với đó là Luật Quy hoạch cũng có các điều kiện mở cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf. Cụ thể là vấn đề quy hoạch sân golf hiện được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố. Và ngoài các sân golf đang đi vào hoạt động thì còn có hàng chục các dự án sân golf khác đang trong quá trình đầu tư .
Theo các nhà nghiên cứu, với tần suất như hiện nay thì cứ trung bình 2-3 tuần lại có một dự án sân golf được cấp phép xây dựng. Ngay như Quảng Nam theo quy hoạch trước đây chỉ có 1 sân golf nhưng hiện địa phương này dự kiến xin cấp phép thêm 10 sân.
Bắc Giang theo quy hoạch chỉ có 1 sân golf nhưng đang đề xuất cấp phép thêm 7 sân, thậm chí là theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đến 2030, tỉnh này sẽ có 11 sân golf. Hay Vĩnh Phúc theo quy hoạch có 3 sân golf nhưng cũng đang đề xuất cấp phép thêm 10 sân…
Việc xây dựng và cấp phép nhiều thì liệu công tác quản lý có thuận lợi không hay lại giống như tháng 3 vừa qua, UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đã phải có văn bản yêu cầu Công ty Mekong Golf tạm dừng hoạt động sân tập golf vì đơn vị này xây dựng dự án “chui”?
“Bên cạnh vấn đề quản lý, cấp phép xây dựng nhiều đến một thời điểm nào đó, tình trạng nguồn cung sân golf sẽ lớn trong khi nếu lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế chưa thu hút tốt thì lấy đâu ra người chơi golf và duy trì sự phát triển của các dự án sân golf?”, một chuyên gia nêu vấn đề.
Các chuyên gia cũng cho rằng không phải nhu cầu con người ngày càng phát triển thì nhà nhà, người người đều lựa chọn bộ môn này. Kinh nghiệm nhãn tiền là ở Thái Lan có thời điểm phát triển nóng các sân golf, nhưng người dân lại không mấy hứng thú với bộ môn này. Sau đó, chính phủ Thái Lan phải tuyên bố giới hạn số lượng sân golf xây dựng để bảo đảm giá trị thực của mô hình này.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam Lê Hùng Nam, bất kỳ một mặt hàng, dịch vụ nào khi cung cao hơn cầu thì đến một thời điểm nào đó giá sẽ bị hạ. Dù thu hút khách nước ngoài tốt hơn Việt Nam nhưng Thái Lan cũng có không ít sân golf phải “đau đầu, mỏi mắt” tìm khách, còn lại cũng rất ít sân golf tự kiếm đủ tiền để hoạt động khả thi.
“Việt Nam cần học hỏi các nước để thị trường golf phát triển đúng bản chất và mang lại giá trị cao”, ông Nam nói.
Theo https://vnbusiness.vn/